HƯỚNG DẪN TỰ LÀM HỒ SƠ ĐI DU HỌC NHẬT BẢN TỪ A – Z
Trước khi đi du học các bạn cần có hồ sơ đầy đủ, thay vì nhờ các công ty làm thì bạn có thể tự làm hồ sơ đi du học Nhật Bản. Tuy nhiên trước khi bắt đầu tự làm hồ sơ đi du học Nhật Bảnbạn cần hiểu rõ hơn về hồ sơ du học Nhật Bản và có nên tự làm hồ sơ hay không nhé!
Ưu điểm của việc tự làm hồ sơ du học Nhật Bản
- Tiết kiệm được tối đa chi phí xử lý hồ sơ khi không cần phải thông qua các công ty tư vấn du học
- Có thể chủ động tự theo dõi được tiến trình xử lý hồ sơ của mình, có quyền tự ra quyết định trong mọi tình huống.
- Hồ sơ gốc do chính bạn giữ, đảm bảo được hồ sơ sẽ không bị thất lạc và mất mát.
- Có thể gửi hồ sơ đến nhiều trường cùng lúc, nhiều sự lựa chọn.
Nhược điểm của việc tự làm hồ sơ du học
Bạn biết không ưu điểm trên cũng chính là rủi ro quan trọng khi bạn tự làm hồ sơ du học. Bởi khi nộp rất nhiều trường nhưng có thể bạn sẽ không đỗ trường nào cả nếu bạn không thực sự tìm hiểu kỹ về ngôi trường đó có phù hợp với khả năng của mình hay không. Hơn nữa:
- Dễ xảy ra sai sót do chưa có kinh nghiệm.
- Mất thời gian trong việc thu thập các thông tin.
- Có thể gặp khó khăn trong trao đổi nếu năng lực ngoại ngữ chưa tốt.
- Khó trong việc chứng minh tài chính nếu không đáp ứng được những yêu cầu về tài chính căn bản.
- Thể hiện không tốt qua buổi phỏng vấn với đại sứ quán do không có kinh nghiệm và người hướng dẫn.
Việc lựa chọn tự làm hồ sơ sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản kinh phí. Nhưng chúng ta chỉ nên tự làm khi có người hướng dẫn hoặc bạn thành thạo về tiếng Nhật. Còn nếu để tránh các sai sót thì bạn nên lựa chọn việc để bên tư vấn làm hồ sơ cho bạn nhé
Mỗi năm, các trường tiếng bên Nhật đón rất nhiều lượt du học sinh Việt Nam. Đa phần du học sinh Việt Nam đều đăng ký du học thông qua một trung tâm môi giới du học, vì hồ sơ của Việt Nam khá là phức tạp, nếu nhờ bên tư vấn du học hỗ trợ thì cả trường tiếng và cả học sinh đều đỡ mất thời gian hơn.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn không thể tự làm hồ sơ du học. Hiện nay, các trường tiếng đều có nhân viên người Việt, nên bạn hoàn toàn có thể tự chuẩn bị hồ sơ với sự giúp đỡ của nhân viên trường tiếng. Nhự vậy, cả bạn và trường tiếng đều tiết kiệm được chi phí phải trả cho các trung tâm tư vấn du học.
Trước hết, để biết bạn có thể tự làm hồ sơ du học được hay không, bạn cần liên lạc với trường tiếng mà mình muốn vào học để hỏi. Nhân viên trường tiếng sẽ xác nhận các thông tin để xem bạn có đủ điều kiện để làm visa du học không. Nếu đủ, họ sẽ hướng dẫn bạn chuẩn bị các giấy tờ cần thiết.
Tóm tắt quy trình xin visa du học trường tiếng
Bước 1: Liên lạc với trường
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ du học, gửi hồ sơ qua email cho trường kiểm tra
Bước 3: Gửi hồ sơ gốc cho trường
Bước 4: Trường tiếng sẽ hoàn thiện hồ sơ của bạn, trình Cục xuất nhập cảnh để xin COE (Chứng nhận tư cách lưu trú của Cục xuất nhập cảnh)
Bước 5: Khoảng 2 tháng sau sẽ có kết quả COE
Bước 6: Trả tiền học phí cho trường để trường gửi bản gốc COE cho bạn
Bước 7: Nhận COE và giấy tờ khác từ trường tiếng, mang các giấy tờ cần thiết lên Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam xin visa du học
Bước 8: Chuẩn bị bay sang Nhật
Yêu cầu của trường tiếng với học sinh
Bằng cấp: tốt nghiệp cấp 3 trở lên
Học lực: tuỳ trường, có trường yêu cầu điểm trung bình lớp 12 trên 7,5 hoặc hơn
Có bằng tiếng Nhật, ít nhất là N5, hoặc có thể nộp giấy chứng nhận đã học tiếng Nhật trên 150 tiếng, có đóng dấu của trung tâm mà bạn học. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp giấy chứng nhận của trung tâm có lỗi sai hoặc không đủ thông tin mà Cục yêu cầu khiến hồ sơ bị đánh trượt, nên đa phần các trường tiếng vẫn thích học sinh có bằng tiếng Nhật hơn.
Người bảo lãnh có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, đồng thời phải có giấy tờ để chứng minh nghề nghiệp và thu nhập. Người bảo lãnh nên là người trong gia đình như bố mẹ, anh chị em ruột… để dễ chứng minh quan hệ. Người bảo lãnh có sổ tiết kiệm từ 400 triệu trở lên.
Hồ sơ du học cần những gì?
- Sơ yếu lý lịch
- Hộ chiếu (nếu có)
- Lý do du học: nêu lý do thật cụ thể, và kế hoạch sau khi học xong ở trường tiếng
- Bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc Đại học
- Học bạ cấp 3 hoặc bảng điểm Đại học
- Bằng tiếng Nhật (N5 trở lên), hoặc Giấy chứng nhận đã học tiếng Nhật trên 150 tiếng ở trung tâm tiếng Nhật
- Giấy xác nhận công việc của người bảo lãnh
- Nếu người bảo lãnh làm nhân viên công ty, thì cần giấy xác nhận công việc có đóng dấu của công ty.
- Nếu người bảo lãnh tự kinh doanh, thì cần nộp bản sao có công chứng giấy chứng nhận kinh doanh.
- Nếu người bảo lãnh làm nông nghiệp, chăn nuôi… thì có thể tự viết giấy xin xác nhận công việc, giấy xác nhận thu nhập, và ra xin dấu của Uỷ ban.
- Giấy chứng nhận quan hệ giữa học sinh và người bảo lãnh (Giấy khai sinh, hộ khẩu)
- Giấy xác nhận thu nhập của người bảo lãnh
- Giấy xác nhận số dư tài khoản của người bảo lãnh và bản copy có công chứng sổ tiết kiệm
- Giấy xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của người bảo lãnh, nếu được miễn thuế thì nên ghi rõ ràng và xin dấu xác nhận được miễn thuế của địa phương.
- Giấy tờ chứng minh thu nhập và chi tiêu của người bảo lãnh trong vòng 3 năm gần nhất (Tùy trường mà có thể chỉ yêu cầu 1 năm)
Thường thì giấy này sẽ do người bảo lãnh viết và ký tên, trên đó có liệt kê rõ thu nhập và các khoản tiền chi tiêu trong năm, ví dụ tiền ăn, tiền điện nước, tiền xăng xe, tiền học…
Tùy từng trường mà có thể sẽ yêu cầu bạn phải dịch toàn bộ giấy tờ sang tiếng Nhật. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì đa phần trường tiếng đều có nhân viên người Việt, họ có thể tự dịch và nhờ nhân viên người Nhật sửa lại cách dùng từ sao cho chính xác hơn, nhờ thế mà bản dịch cũng được trau chuốt kỹ càng hơn.
Một số lỗi khiến hồ sơ bị đánh trượt
Lỗi do giấy chứng nhận học tập do trung tâm du học cấp. Vì thế mà nhiều trường sẽ yêu cầu học sinh phải thi lấy bằng N5 trở lên.
Lỗi do giấy xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng. Các bạn nên hỏi trường tiếng về các mẫu giấy xác nhận mà các bạn xin visa từ trước đã sử dụng và được Cục chấp nhận. Đôi khi Cục còn đánh trượt vì giấy xác nhận có lỗi tiếng Anh, nên nếu được thì không nên sử dụng mẫu giấy có cả tiếng Anh.
Lỗi do giấy tờ chứng minh thu nhập và chi tiêu của người bảo lãnh trong vòng 3 năm gần nhất không ghi cụ thể các khoản chi tiêu. Giấy này cũng có thể xin mẫu từ trường tiếng.
Lỗi do thông tin không thống nhất, đôi khi có thể là sai thông tin về ngày tháng năm sinh, sai số chứng minh thư ở một giấy tờ nào đó. Vì thế mà mọi giấy tờ cần được đối chiếu thông tin cẩn thận. Đôi khi giấy tờ xin từ Ủy ban, Cục thuế… mà cũng có sai sót, nên các bạn phải kiểm tra thông tin ngay sau khi nhận giấy từ các cơ quan hành chính để tránh phải đi lại nhiều lần.